Giai đoạn sau sinh hay tiền mãn kinh, đa phần các chị em đều phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt estrogen. Trong khi đó, estrogen là nội tiết tố quan trọng ở nữ giới, giúp chị em sở hữu những đường cong mềm mại, quyến rũ và quan trọng hơn là hoàn thành thiên chức làm mẹ.
Vai trò quan trọng của estrogen
Estrogen được sản xuất chủ yếu từ buồng trứng và giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc tăng lượng máu đến tử cung, tăng số lượng cơ tử cung, từ đó giúp tử cung hoạt động và phát triển tốt. Đồng thời, estrogen làm nội mạc tử cung dày lên, phát triển các tuyến trong nội mạc. Về thiên chức làm mẹ, estrogen gây ra những biến đổi mang tính chu kỳ ở cổ tử cung, của âm đạo và tạo môi trường thuận lợi cho tinh trùng tồn tại và di chuyển để thụ tinh. Khi trứng rụng, estrogen sẽ góp phần làm tăng nhu động của vòi trứng, giúp vòi trứng đón lấy trứng cũng như đưa nang trứng vào trong tử cung một cách thuận lợi.
Thông thường, sau sinh hoặc giai đoạn tiền mãn kinh, lượng estrogen được sản xuất giảm sút, dẫn đến tình trạng thiếu hụt estrogen. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khoa học gần đây đều cho thấy, tình trạng này đang dần trẻ hóa. Ngày càng nhiều chị em tuổi 30, thậm chí trẻ hơn đã và đang phải đối mặt với những dấu hiệu khởi phát ban đầu của việc mất cân bằng nội tiết tố estrogen.
Triệu chứng bị thiếu hụt estrogen
Khi bị thiếu hụt estrogen, tâm sinh lý cơ thể của các chị em sẽ thay đổi và biểu hiện ra bên ngoài. Khi đó, vòng hai sẽ tích nhiều mỡ hơn, vóc dáng không còn thon thả, gợi cảm như trước và làn da bắt đầu nhăn sạm, trông kém sức sống. Chu kỳ kinh nguyệt của các chị em cũng sẽ trở nên thất thường, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý.
Những thay đổi tâm lý thường thấy là dễ cáu gắt, bốc hỏa, mất ngủ, thậm chí đổ mồ hôi đêm và giảm trí nhớ… Khi thấy các triệu chứng bị thiếu hụt estrogen trên, các chị em nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn, đo lường các chỉ số nội tiết tố cũng như cách điều trị khoa học.
Nguyên nhân và cách điều trị khi bị thiếu hụt estrogen
Theo các bác sĩ, nguyên nhân thiếu hụt estrogen có thể là:
– Bệnh di truyền: bệnh di truyền hay hội chứng Turner sẽ dẫn đến sự phát triển hạn chế về chiều cao cũng như sự rụng trứng, thậm chí cản trở rụng trứng làm mất kinh nguyệt.
– Một số nguyên nhân khác như: mắc bệnh tuyến giáp, đang điều trị hóa trị hoặc xạ trị, rối loạn ăn uống, cơ thể có quá ít chất béo hoặc do tập thể dục quá mức…
Để điều trị thiếu hụt estrogen, các chị em nên tăng cường các thực phẩm như: đậu nành, mầm đậu nành, dầu ô liu, hạt mè, bí đao, cà tím, giá đỗ, hạt mè, lạc, điều… Những thực phẩm này rất giàu estrogen giúp làm chậm quá trình lão hóa, loại bỏ các gốc tự do. Hoặc trường hợp thiếu hụt estrogen trầm trọng, các chị em nên áp dụng liệu pháp thay thế hormone (HRT). Tuy nhiên, liệu pháp này cũng tiềm ẩn những nguy cơ như mắc bệnh ung thư vú. Do đó, các chị em không được tự ý mà cần thay thế hormone theo sự chỉ định của bác sĩ, chỉ nên dùng liều thấp trong thời gian ngắn và có sự kiểm soát chặt chẽ.